Khảo sát một số đặc điểm dịch tễ, lâm sàng và cận lâm sàng của viêm ống tai ngoài do vi nấm tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Các báo cáo hiện nay về nấm tai tập trung chủ yếu ở các nước nhiệt đới, trong khi ở Việt Nam, số báo cáo về bệnh lý này còn chưa nhiều, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặt khác Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn có khoảng 120,000 lượt bệnh khám ngoại trú mỗi năm với tỷ lệ bệnh viêm ống tai ngoài do vi nấm khoảng 9-10%. Mục tiêu: Nghiên cứu này nhằm định danh nấm gây bệnh và ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị viêm ống tai ngoài do vi nấm. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca tiến cứu 69 trường hợp người bệnh viêm ống tai ngoài do vi nấm tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn từ 15/12/2020 đến 30/06/2021. Kết quả: Bệnh gặp ở cả hai giới (tỷ lệ nam:nữ là 2:1). Tuổi trung bình 44±14.87 trong khoảng 17-70 tuổi, nhóm tuổi 31-60 chiếm cao nhất (59.42%). Nhóm nghề nghiệp cán bộ công nhân viên chức nhiễm nấm tai cao nhất (34.78%), kế là lao động tự do (27.54%). Nấm tai có thể tái phát dễ dàng và bệnh cảnh tái phát lần thứ hai dễ gặp. Nam giới bị nấm tai có thói quen ngoái tay tại nhà hay tại tiệm (59.42%) cao hơn nữ giới (24.46%); đối với nữ dễ bị nấm tai nếu có thói quen bơi lội hoặc nghề nghiệp có tiếp xúc nước (8.70%) so với ở nam giới (7.25%). Triệu chứng lâm sàng ngứa tai thường gặp nhất (79.7%), kế là triệu chứng ù tai (46.38%), thứ ba là cảm giác đầy tai (44.93%), thấp nhất là nghe kém (26.09%). Nội soi tai: bị một bên tai thường bị nhất (79.71%), tình trạng ống tai ngoài sung huyết ở 1/3 ngoài cao nhất (43.48%), các hình ảnh sang thương dạng mảng trắng, dạng sợi trắng và dạng mảng sợi gặp nhiều nhất 13.04-15.94%, và đa số 59.42% là sang thương ở dạng khô. Kết quả soi tươi vi nấm cho thấy nấm sợi chiếm cao nhất (68.12%), kế là nấm men (17.39%) và có 2.90% trường hợp âm tính. Kết quả nuôi cấy ghi nhận cấy ra được 01 chủng nấm gặp chủng Aspergillus spp (69.57%) cao nhất, kế là chủng Candida albicans (15.94%); trường hợp cấy được 02 chủng nấm có thể gặp nhiều nhất là giữa chủng A. fumigatus và C.albicans, A. niger và C.albicans đều lần lượt 4.35%. Chủng nấm Aspergillus spp định danh được 05 loại nấm: A.fumigatus, A.niger, A.flavus, A.terreus và A.nidulans. Kết luận: Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, cả hai giới. Các yếu tố nguy cơ tăng nguy cơ mắc bệnh: thói quen ngoáy tai, bơi lội, nghề nghiệp có tiếp xúc môi trường nước, sử dụng máy trợ thính,… Kết quả soi tươi vi nấm gặp chủ yếu là hình ảnh nấm sợi, kế tiếp là hình ảnh nấm men. Kết qua nuôi cấy vi nấm định danh phương pháp thông thường gặp chủ yếu là hai chủng nấm Aspergillus spp và Candida spp. Khi nội soi tai nếu thấy hình mảng – cầu của sang thương nên nghĩ đến nhóm Candida albicans. Khi nội soi tai nếu thấy hình ảnh sang thương màu trắng chấm đen hoặc đen thì nên nghĩ đến nhóm nấm A.niger. Khi nội soi tai hình ảnh vừa ẩm vừa khô hoặc hình ảnh ẩm của sang thương nên nghĩ đến chủng nấm Candida albicans. Từ khóa: viêm ống tai ngoài do vi nấm, vi nấm, ống tai ngoài.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
viêm ống tai ngoài do vi nấm, vi nấm, ống tai ngoài
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tiến Hải (2013), Nghiên cứu hình thái lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị nấm ống tai, Luận văn tốt nghiệp Bác sĩ nội trú, Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
2. Tống Thị Mai Hương, Lê Anh Tuấn và Nguyễn Văn Việt (2015), "Nhận xét đặc điểm lâm sàng và chủng loại nấm tai thường gặp tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang", Tạp chí Tai Mũi Họng Việt Nam. 60, tr. 44-49.
3. Nguyễn Cảnh Lộc (2018), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị viêm ống tai ngoài, Luận văn Thạc sĩ của Bác sĩ nội trú, Đại học Y Dược Huế, Huế.
4. Võ Văn Nghị (2012), Định danh nấm bằng PCR ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị nấm ống tai ngoài, Luận án Chuyên khoa II Tai Mũi Họng, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
5. Trần Thị Minh Tâm và Nguyễn Tiến Long (2017), "Thực trạng nhiễm nấm và một số yếu tố liên quan của bệnh nhân viêm ống tai ngoài đến khám tại Phòng khám Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương", Tạp chí Y học thực hành. 9, tr. 130-132.
6. Lê Chí Thông (2010), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh nấm tai tại Huế, Luận văn tốt nghiệp Bác sĩ nội trú, Đại học Y Dược Huế, Huế.
7. Nguyễn Thị Tường Vân (2016), Khảo sát các tác nhân vi nấm gây bệnh viêm ống tai ngoài, Luận văn Thạc sĩ Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Manjunath K, Amardeep Singh and Manjunatha Rao S. V (2020), "Otomycosis, frequency, clinical features, predisposing factors and treatment implications", International Journal of Otorhinolaryngology and Head and Neck Surgery. 6(4), pp. 664.
9. Ravinder Kaur, Nalini Mittal, Manish Kakkar et al. (2000), "Otomycosis A Clinicomycologic Study", ENT Journal. 79(8), pp. 606-609.
10. T. Dinesh Singh and C. P. Sudheer (2018), "Otomycosis: a clinical and mycological study", International Journal of Otorhinolaryngology and Head and Neck Surgery. 4(4), pp. 1013-1016.